Ông Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ Chọn đối tác… hoàn mỹ

- 585 lượt xem - Tin tức
Nhưng không, ước mơ của vị lãnh đạo Tập đoàn Hoàn Mỹ đang được định giá đến 100 triệu USD vẫn là ước mơ của bác sỹ Tùng.

Không có gì là không thể…

Ấn tượng khó quên nhất về ông Nguyễn Hữu Tùng, lãnh đạo Tập đoàn Hoàn Mỹ, là ánh mắt chứa đựng sự tin tưởng và niềm đam mê khó cưỡng. Ánh mắt ấy khiến những người đối thoại với ông chia sẻ, đồng cảm với những gì ông đang đeo đuổi. Thậm chí, nhìn ông, tôi thực tâm tin vào những điều ông nói, rằng trên đời này không có gì là không thể.

Hiện tại, ông đang có trong tay một hệ thống bệnh viện tư nhân đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, với 10 bệnh viện, 2.000 nhân viên, 322 bác sỹ, trải dài từ Cà Mau đến Đà Nẵng. Doanh thu năm 2011 là 700 tỷ đồng, kế hoạch năm 2012 đang được đặt với mức tăng hơn 30%.

Nhưng cách đây 5 năm, chặng đường phát triển của Hoàn Mỹ tưởng chừng đã chấm dứt sau một thời gian dài vô cùng suôn sẻ.

Cũng phải nói ngay, thời gian ông bắt tay vào xây dựng cơ sở ban đầu của Bệnh viện Hoàn Mỹ vào năm 1997, mọi việc cũng rối rắm vô cùng. Bộ Y tế khi đó chưa có chủ trương phát triển phòng khám tư, nên vừa mới mở phòng mạch riêng tại Lý Thường Kiệt, Quận Tân Bình (TP.HCM), ông nhận được yêu cầu đóng cửa.

Chạy vạy mất hai tháng lại có được giấy phép của Sở Y tế TP.HCM, ông mừng rỡ, tập hợp đội ngũ bác sỹ chuyên nghiệp, những người cùng chí hướng. Phòng khám bắt đầu đông dần lên. Ông quyết định nâng cấp phòng khám thành bệnh viện, đặt tên là Bệnh viện Hoàn Mỹ. Rồi Hoàn Mỹ tốt dần lên.

Năm 2004, nhiều đối tác bắt đầu tìm đến và muốn tham gia đầu tư vào Hoàn Mỹ. Như cơ duyên, ông gặp lãnh đạo của một ngân hàng lớn. “Mối lương duyên và sự thông hiểu về định hướng phát triển nhanh đến độ tôi không ngờ. Chúng tôi bắt tay hợp tác để khởi động Hoàn Mỹ Đà Lạt với tổng giá trị lên đến 10 triệu USD”, ông chia sẻ.

Sẵn đà, lại nhận được sự cam kết về tài trợ vốn, ông bắt tay vào xây dựng Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Tuy nhiên, sự hăng say và tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính đã khiến ông vướng phải nợ nần. Đó là vào năm 2007.

“Số nợ lúc đó lên đến 300 tỷ đồng. Nguồn thu từ Hoàn Mỹ Sài Gòn không thấm vào đâu so với lãi suất lên đến 20 – 21%/năm. Trong khi hai dự án kia vẫn chưa đi vào hoạt động”, ông nhớ lại. Nguy cơ mất trắng Hoàn Mỹ hiển hiện.

Tuy nhiên, như định mệnh, những dự định tốt đẹp không thể bị dừng lại. Ngày nọ, một người mà đến tận bây giờ ông Tùng vẫn xem là ân nhân, Allen Yu xuất hiện. “Yu đến với tôi thật tình cờ. Khi đó, anh ấy đến giới thiệu hệ thống máy móc bệnh viện. Tuy nhiên, khác với những người bán hàng khác, Yu đã nhìn ra tôi đang đối mặt với bi kịch lớn”, ông nhớ lại.

Như người đuối nước vớ được cọc, ông đặt niềm tin vào nhà tư vấn tài chính này. Và ông đã đúng. Yu đã thu xếp để VinaCapital và Deutsche Bank cùng rót vốn vào Hoàn Mỹ với tỷ lệ cổ phần lên tới 44%. Số nợ được giải quyết, ông có dư tiền để tiếp tục phát triển ước mơ “đưa bệnh viện về gần mọi người dân”.

“Yu đã dạy tôi một điều thực sự quan trọng. Đó là không có khó khăn nào không có cách vượt qua, vấn đề là tìm đúng cách”, ông tâm sự.

… nếu tìm đúng cách

Để có được Hoàn Mỹ như hôm nay, ông bộc bạch, cũng không dễ khi ông vốn chỉ là một bác sỹ tâm huyết, yêu nghề nhưng kinh nghiệm quản lý không nhiều. Cách tốt nhất, theo ông, “làm tốt những điều, những nguyên tắc mình vạch ra thì mới hy vọng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của mọi người”, ông nói.

Phải kể đến những ngày đầu, vào khoảng năm 1982, khi bác sỹ Tùng mới gần 30 tuổi, đang ở vị trí Phó trưởng khoa Nhi Bệnh viện Quảng Nam – Đà Nẵng, đã quyết tâm xin chuyển xuống tuyến huyện, chỉ vì “phải làm gì đó khi quá nhiều bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên không cứu được bởi những lý do không đáng”.

Nhưng ông đã vấp phải những cản ngại đầu tiên ngay từ những người đồng nghiệp vốn quen “lương lĩnh hằng tháng, nhưng việc không làm.” “Tôi đã họp toàn bộ cán bộ khoa mà tôi phụ trách và tuyên bố giờ giao ban là 7.00 sáng. Nếu ai không đúng giờ thì không phải đến bệnh viện”, ông kể lại thất bại đầu tiên khi cương quyết lập lại kỷ luật làm việc vì không ai chịu thực hiện theo yêu cầu. “Tôi đã phải đến từng nhà bệnh nhân để khám và thuyết phục họ đến bệnh viện. Nhìn tôi làm, chắc mọi người cũng cảm thấy phải suy nghĩ. Rồi thì bác sỹ chịu đến trực đúng giờ quy định, bệnh nhân chịu đến khám… Công việc cứ dần dần vào guồng”, ông nhớ lại. Sáu tháng sau ngày ông đến, lãnh đạo huyện đề nghị ông đảm trách vị trí giám đốc bệnh viện huyện. Sau ba lần từ chối, ông nhận lời với yêu cầu phải được ủng hộ từ chính quyền địa phương cho kế hoạch cải tổ toàn bộ bệnh viện…

Bộ mặt Bệnh viện huyện Đại Lộc thay đổi, từ nhân sự đến tài chính và đến cả thói quen sinh hoạt của cả bác sỹ và bệnh nhân vùng quê nghèo khó này cũng thay đổi không ngờ.

 

Tất nhiên, cuộc cải tổ nào mà chẳng có “chiến tranh”. Ông suýt mất mạng khi trên đường về nhà, ai đó đã để một thân cây chắn ngang đường trong đêm tối. Ông may mắn thoát nạn.

 

“Đó là phản ứng dễ hiểu khi buộc phải thay đổi, phải cải cách. Nhưng không vì thế mà tôi dừng lại. Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp và tin là mình đang đi đúng hướng”, ông tâm sự.

Và ước mơ của bác sỹ Tùng

Khi tôi hỏi lý do mời Fortis Healthcare International đầu tư vào Hoàn Mỹ mà không phải là nhà đầu tư khác, ông cho rằng, đó chính là giải pháp tài chính khả dĩ. “Fortis Healthcare International là tập đoàn quốc tế, có kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến và làm trong ngành y. Chúng tôi thống nhất được với nhau về định hướng hướng phát triển là mở rộng hệ thống”, ông phân tích. Tháng 8/2011, Hoàn Mỹ thực hiện thương vụ M&A đình đám khi bán 65% cổ phần cho Fortis với giá 64 triệu USD.

Giờ đây, bác sỹ Tùng đang thực hiện một ước mơ lớn, đó là xây dựng Trường Đại học Y khoa Hoàn Mỹ và Bệnh viện Thực hành Y khoa Hoàn Mỹ: “Tôi muốn có một đội ngũ y bác sỹ giỏi nghề và vị nhân. Tại sao có bệnh viện kèm theo ư? Vì tôi muốn sinh viên hiểu rõ nghề nghiệp họ chọn ngay từ ngày đầu tiên bước vào trường học”, ông hào hứng kể về ước mơ của mình.

Với người đàn ông 60 tuổi này, có lẽ, thời gian không hề là thách thức. Từ nhiều năm qua, ông tự làm một việc, đó là lập Quỹ từ thiện Nguyễn Hữu Tùng như một cách vượt lên chính mình. Dường như, đời ông quá nhiều thăng trầm khiến ông không sợ thất bại, cũng như không quá hồ hởi với thành công. “Tôi sẽ còn làm việc đến khi không còn thời gian nữa”, ông tâm sự.

Tôi tin ông nói thật lòng, bởi với ông, con đường phía trước dường như chỉ mới bắt đầu.

Trò chuyện với ông Nguyễn Hữu tùng

Tại sao ông quyết định bán cổ phần cho Fortis?

Khi tìm kiếm đối tác, chúng tôi có 4 đối tác sẵn sàng tham gia mua cổ phần của Hoàn Mỹ. Nhưng, Fortis không phải là nhà đầu tư tài chính thuần túy. Họ chấp nhận định hướng phát triển hệ thống bệnh viện khắp Việt Nam của tôi. Họ chấp nhận trả mức giá tương đối để mua lại cổ phần của VinaCapital và Deutsche Bank đang sở hữu ở Hoàn Mỹ và mua thêm cho đủ 65%. Họ chấp thuận đầu tư công nghệ, phương pháp quản trị mới, nâng cấp chất lượng dịch vụ… để Hoàn Mỹ ngày càng phát triển.

Chúng tôi quyết định chọn Fortis, thay vì đối tác khác. 

Tới đây, ông sẽ xây dựng một trường đại học tư nhân đầu tiên về y khoa? Liệu khoản đầu tư này có quá mạo hiểm?

Đầu tư vào giáo dục, nhất là giáo dục trong ngành y không dễ dàng. Nhưng tôi không dự định kiếm lời từ dự án này. Tôi ước mơ bác sỹ Việt Nam không chỉ giỏi nghề mà còn giàu lòng vị nhân, và họ phải sống được bằng nghề của mình.

Tôi đang được ủng hộ để thực hiện kế hoạch này. Dự kiến, vào năm 2015, Đại học Y khoa Hoàn Mỹ và Bệnh viện Thực hành Y khoa Hoàn Mỹ có thể đi vào hoạt động.

Back To Top