Rộn ràng làng bánh chưng Tranh Khúc

Thứ Bảy, 21/01/2023, 11:39

Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều mang dấu ấn lịch sử lâu đời, đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam. Nhắc đến làng nghề nào, người Hà Nội cũng đều tự hào bởi làng nghề là nơi hội tụ tinh hoa, nơi những bàn tay khéo léo tạo ra sản phẩm, sản vật nức tiếng gần xa.

Và làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) cũng vậy, những chiếc bánh chưng cha truyền, con nối qua nhiều đời đã vượt qua luỹ tre làng, trở thành đặc sản đất kinh kỳ.

Nhắc đến bánh chưng Tranh Khúc, là nhắc đến những chiếc bánh được gói tay vuông vắn, sắc nét. Bánh chưng nơi đây có lớp vỏ bánh là lớp gạo nếp cái hoa vàng hạt đều chằn chặn, thơm dẻo quyện hương lá dong ánh lên màu xanh tươi mát. Lớp nhân đỗ vàng ngậy quyện với mỡ tan ra từ khẩu thịt ba chỉ tươi rói, qua 10-12 tiếng ninh rền trên lửa đã thành một thứ thịt mềm mại, hấp dẫn từ mùi thơm đến hương vị.

ron-rang-tet-ve-lang-banh-chung-truyen-thong-tranh-khuc-5-16429193703341333902605.jpg -0
Từ rằm tháng Chạp đến tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Tranh Khúc tất bật, hối hả gói bánh để phục vụ thực khách khắp các tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Và điều làm nên chiếc bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng, đó chính là, bánh chưng phải được luộc bằng nguồn nước giếng của làng. Chỉ cần luộc sang nguồn nước khác, bánh đã mất đi phần nào hương vị. Với vị ngon đặc trưng, bánh chưng Tranh Khúc đã có mặt trong những mâm cỗ Tết truyền thống dâng lên tổ tiên, đất trời với mong muốn được đủ đầy của hàng vạn gia đình khi năm mới đến.

lang_tranh_khuc_3a_08351907012020.jpeg -0

Chúng tôi đến làng nghề bánh chưng Tranh Khúc trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Khắp làng trên ngõ dưới, nhà nào cũng rộn ràng tiếng cười nói chuyện của các bà, các mẹ đang gói bánh chưng. Trong gia đình anh Nguyễn Duy Thành- cơ sở sản xuất bánh chưng Thành Trung ở thôn Tranh Khúc, có gần 20 nhân công đang thực hiện các công đoạn làm ra một chiếc chưng, mỗi người một việc. Những bàn tay gói bánh thoăn thoắt, không hề dùng khuôn, hoàn thành gói một chiếc bánh chỉ trong 30-40s mà vẫn đảm bảo trăm cái như một.

Bà Nguyễn Thị Hợi, năm nay đã gần 70 tuổi cho biết, gia đình bà có truyền thống làm bánh chưng và làm bán từ năm 1980. Đến nay, sau hơn 40 năm, bánh chưng của gia đình đã đạt sản phẩm OCOP, được khách hàng gần xa biết đến. Theo bà Hợi, để làm ra được 1 chiếc bánh chưng ngon thì khâu đầu tiên là lựa chọn được gạo nếp ngon, nếp là phải là nếp cái hoa vàng của Nam Định, đậu xanh của An Khê – Gia Lai. Gạo được ngâm với nước lá riềng giã để có màu xanh mướt đẹp mắt. “Bánh chưng của Tranh Khúc được gói tay, nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận từ lá dong, gạo, đậu, thịt. Bánh chưng khi được gói xong đem luộc từ 10-12 tiếng, sau đó ép để nguội và ép chân không gửi cho khách đặt, như vậy bánh dền và để được lâu hơn”, bà Hợi nói.

Trong các khâu làm bánh thì theo bà Hợi, khâu lựa chọn và rửa lá, cắt lá là mất nhiều thời gian nhất. Lá gói bánh là lá dong quê, được lựa chọn cẩn thận, chia thành nhiều loại. Lá bánh tẻ màu đẹp nhất sẽ được lót trong cùng tiếp xúc với gạo nếp để bánh lên màu xanh đẹp. Lớp ngoài cùng lại là những chiếc lá to rộng, không rách để làm “áo” bánh.

vnp_banh_chung_tranh_khuc_18.jpg -0

Anh Nguyễn Duy Thành cho biết, gia đình anh là một trong những cơ sở sản xuất bánh chưng lớn của thôn Tranh Khúc, ngày thường mỗi ngày gia đình sản xuất gần 50kg gạo, bên cạnh đó còn sản xuất theo đơn đặt hàng. Không chỉ làm bánh chưng truyền thống, gia đình còn làm các loại bánh như bánh chưng gù, bánh chưng gấc, bánh chưng nhân thịt ngan, đặc biệt Tết năm nay nhiều khách hàng đặt bánh chưng gạo lứt…

“Khách hàng đặt loại gì thì gia đình sẽ làm loại đấy để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài bánh chưng thì nhà tôi còn sản xuất cả bánh dày nhân mặn, ngọt và bánh chay để cung cấp cho thị trường”, anh Thành chia sẻ. Để phục vụ nhu cầu thị trường Tết, mỗi ngày cơ sở nhà anh Nguyễn Duy Thành cung cấp ra thị trường hơn 5.000 cái bánh chưng, tạo việc làm cho gần 20 người trong thôn. Để đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng lớn, gia đình đã đầu tư lò hơi và 4 nồi luộc bánh chưng với mức đầu tư hơn 200 triệu đồng.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ngày càng phát triển và đưa thương hiệu bánh chưng vươn xa, nhiều người đã biết đến làng nghề và đặt hàng. Theo ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho biết, cả xã có 114 hộ làm bánh chưng khi vào vụ Tết, còn những ngày thường trong năm có hơn 20 hộ sản xuất, cung cấp cho thị trường Hà Nội và sản xuất theo đơn đặt hàng. Vào vụ Tết, trung bình mỗi hộ sản xuất từ 15.000-20.000 cái bánh chưng.

Bánh chưng của thôn Tranh Khúc đến nay đã vươn xa không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội mà còn đi các tỉnh thành khác và theo đường hàng không ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu ẩm thực truyền thống và Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Bánh chưng ở đâu cũng có nhưng bánh chưng ở làng Tranh Khúc luôn có hương vị riêng và đặc biệt nên bao năm qua, người tiêu dùng trên cả nước đã tin tưởng và đặt hàng.

Tiếp lời Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà, chị Nguyễn Vân Thuỳ cho biết, năm nay đơn hàng có giảm hơn mọi năm do kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều nhà tự gói bánh, nên lượng bánh đặt cũng có giảm hơn. Tuy nhiên, khách hàng đặt bánh cũng phong phú hơn, ngoài bánh chưng truyền thống thì còn đặt bánh chưng gấc, bánh chưng gạo lứt. Về bánh chưng gạo lứt, chị Thùy cho biết, bánh không rền và đậm bánh như bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của người dân hướng tới chăm sóc sức khoẻ và ăn theo nhu cầu cũng được gia đình chị đáp ứng.

“Năm nay, người tiêu dùng đặt bánh vừa với mức giá từ 60.000 đồng- 70.000 đồng/1 cái. Có nhiều nhà đặt loại 100.000 đồng/1 cái. Những năm trước, gia đình làm gửi bánh chưng ra nước ngoài theo đặt hàng nhưng giờ cước khá đắt, nên khách hàng có nhu cầu và đặt hàng, gia đình sẽ gửi gạo, lá, lạt và các gia vị sang để khách hàng tự gói và luộc bánh", chị Thùy chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Hợi tiếp lời, bánh chưng là nghề truyền thống của làng, đã được người dân trong làng duy trì và phát triển. Nhiều nhà mở rộng sản xuất chuyên nghiệp hơn, cung cấp nhiều sản phẩm theo nhu cầu của thị trường theo từng xu thế. Cùng với đó, bên cạnh bánh chưng, còn sản xuất bánh dày để phục vụ cho đám cưới, lễ hội, nên việc làm, đơn hàng cũng có thường xuyên.

Theo năm tháng, cộng với sự hỗ trợ quảng bá trên nền tảng xã hội và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, làng bánh Tranh Khúc đã nổi tiếng gần xa trong khắp cả nước. Trong những ngày Tết, dạo một vòng khắp thôn Tranh Khúc, thôn Tân Hà, hương bánh thơm nồng từ những căn bếp tỏa khắp nơi như mang cả mùa Xuân về.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão cho biết, Duyên Hà có 7 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm bánh chưng. Đến nay, thông qua các hình thức khác nhau để quảng bá sản phẩm của làng nghề trên mạng xã hội, hội chợ, phương tiện thông tin đại chúng… bánh chưng Tranh Khúc đã thực sự lưu giữ được bản sắc văn hoá của nghề truyền thống và nghề làm bánh Tranh Khúc đã phát triển không ngừng và được thị trường đón nhận cao. Những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp tìm đến làng Tranh Khúc đặt bánh chưng để làm quà Tết. Đặc biệt, bánh chưng Tranh Khúc cũng đang được xuất khẩu với số lượng khoảng 20 vạn chiếc trong mỗi vụ Tết, chủ yếu là ở các nước có cộng đồng người Việt Nam lớn, nhất là các nước Đông Âu như Czech, Ba Lan, Nga, Đức. Ngoài ra, còn có một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngọc Yến – Lưu Hiệp
.
.
.