Tất bật ở làng bánh chưng Tranh Khúc, mỗi hộ phục vụ gần 5.000 chiếc dịp Tết Giáp Thìn 2024

Kiều Anh - Thùy Anh Thứ bảy, ngày 27/01/2024 12:40 PM (GMT+7)
Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) những ngày này đang tất bật vào vụ sản xuất để kịp phục vụ cho bà con dịp Tết Nguyên đán 2024. Việc áp dụng kỹ thuật công nghệ mới giúp tiết kiệm thời gian làm bánh song vẫn đảm bảo chất lượng hàng bán ra thị trường.
Bình luận 0

Bánh chưng Tranh Khúc "đỏ lửa", mỗi hộ phục vụ gần 5.000 chiếc dịp Tết Giáp Thìn 2024. Clip: Kiều Anh.

Gói bánh chưng trong vòng 25 giây

Ghé thăm làng Tranh Khúc tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào những ngày cuối năm, phóng viên ghi nhận không khí sôi nổi, khẩn trương tại nhiều hộ gia đình sản xuất bánh chưng truyền thống. Thoăn thoắt đãi đậu, gói bánh, buộc lạt, những người thợ ở đây chỉ mất 25 giây để hoàn thành một chiếc bánh chưng vuông vức mà không cần phải dùng đến khuôn.

Ông Nguyễn Văn Điềm, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng tại làng Tranh Khúc chia sẻ: "Nghề làm bánh chưng này xuất hiện từ rất lâu rồi, từ đời các cụ ngày xưa, đời trước truyền cho đời sau. Các cụ truyền nghề cho các ông rồi các ông lại truyền cho tôi. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu năm, nhưng các thế hệ cứ tiếp nối công việc này như vậy, vừa là nghề truyền thống mà cũng mang lại giá trị về kinh tế nên gia đình tôi cứ duy trì".

Người dân làng Tranh Khúc tất bật gói bánh để phục vụ khách hàng khắp các tỉnh, thành trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Ảnh: Kiều Anh

Người dân làng Tranh Khúc tất bật gói bánh để phục vụ khách hàng khắp các tỉnh, thành trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Ảnh: Kiều Anh

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, tại làng Tranh Khúc hiện có 140 hộ dân đang sản xuất bánh chưng, trong tổng số 150 hộ của làng. Trung bình mỗi năm các hộ sản xuất được khoảng 10.000 chiếc bánh chưng, 70% để phục vụ cho khách hàng tại Hà Nội, còn lại 30% là bán ra các tỉnh, thành và xuất khẩu sang nước ngoài.

"Trung bình giá của bánh chưng dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/chiếc. Nhà tôi chủ yếu bán buôn cho các cửa hàng, siêu thị, khách sạn để họ bán lẻ ra thị trường. Ở làng thì chủ yếu các hộ cũng có mối sỉ riêng như vậy, không có chuyện tranh chấp mối của nhau nên số lượng bánh vẫn được sản xuất ra đều", ông Điềm cho biết thêm.

Đều đặn dậy từ 3 rưỡi sáng hàng ngày để thực hiện các công đoạn làm bánh chưng, bà Đặng Thị Thảo (Tranh Khúc, Hà Nội) chia sẻ: "Ước tính trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, gia đình tôi sẽ sản xuất khoảng 5.000 cái, năm nay có khả năng bán cao hơn năm ngoái 20%. Nhà tôi không thuê nhân công, hầu hết là anh, chị, em trong gia đình thôi. Mọi người phải quen và thông thạo hết các việc thì tôi mới tin tưởng giao cho làm được".

Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Điềm phân chia thực hiện từng công đoạn làm bánh, người rửa lá, người đãi đậu, người vo gạo, người luộc bánh, người buộc lạt. Theo chia sẻ của ông Điềm, nguyên liệu để làm bánh phải qua khâu lựa chọn kỹ càng: "Sử dụng gạo nếp cái hoa vàng thì vỏ bánh mới dẻo được. Đậu xanh phải tách vỏ sạch sẽ, nấu nhuyễn để bọc nhân là thịt lợn ba chỉ tươi".

Người thợ chỉ mất 25 giây để gói xong một chiếc bánh chưng vuông vức mà không cần phải dùng đến khuôn. Ảnh: Kiều Anh

Người thợ chỉ mất 25 giây để gói xong một chiếc bánh chưng vuông vức mà không cần phải dùng đến khuôn. Ảnh: Kiều Anh

"Tất cả các công đoạn đều phải đầu tư thận trọng vì nếu mà một công đoạn sai sót bánh không ngon, bánh không ngon, sẽ mất khách. Đậu, gạo phải làm sạch, không có sạn, không có hột tẻ. Lá rửa sạch, khâu gói phải chặt chẽ, cho đến khâu vo gạo, đãi đậu cũng cần tỉ mỉ. Không công đoạn nào là không quan trọng. Một khâu mà hỏng thì nó sẽ ảnh hưởng tới các khâu còn lại, bởi vì một cái bánh nó đi theo các công đoạn cố định như thế", ông Điềm cho biết thêm.

Nâng cấp công nghệ mới, giữ "sợi chỉ" làng nghề bánh chưng

Để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng lớn, các hộ sản xuất bánh chưng tại làng Tranh Khúc đã áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn làm bánh. Mục đích của việc làm này là tối ưu thời gian, giải phóng sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo bánh chưng được chín dền, ngon khi đem bán ra thị trường.

Thay vì luộc bánh bằng củi khô, các hộ gia đình đã chuyển sang luộc bằng nồi hơi, nồi điện. Trung bình một chiếc nồi hơi có độ cao khoảng 3 mét, khi hơi nóng dẫn qua ống tới đáy nồi giúp nước sôi đều, không lo bánh chưng bị cháy hay khê. Công nghệ mới này chỉ mất 7 tiếng, giảm 3 tiếng đồng hồ so với thời gian luộc bằng củi khô trước đây.

Nguyên liệu làm bánh chưng được lựa chọn kỹ càng. Ảnh: Kiều Anh

Nguyên liệu làm bánh chưng được lựa chọn kỹ càng. Ảnh: Kiều Anh

Ông Nguyễn Văn Điềm cho hay: "So với ngày xưa, bây giờ các công đoạn thay đổi nhiều. Nhiều cái mình làm rất thuận tiện. Ví dụ từ các công đoạn làm gạo  có máy móc hỗ trợ, một số nhà dùng máy móc để đưa bánh chưng vào nồi và ra thành sản phẩm. Việc đun trong nồi điện, nồi hơi, cải thiện hơn nhiều so với ngày xưa".

Tương tự ông Điềm, anh Nguyễn Duy Thành - một người thợ làm bánh tại làng Tranh Khúc, Hà Nội có mong muốn tiết kiệm tối đa thời gian sản xuất bánh chưng. Anh Thành chia sẻ: "Để phục vụ nhu cầu thị trường Tết, gia đình tôi đã đầu tư lò hơi và 4 nồi luộc bánh chưng với mức giá hơn 200 triệu đồng".

Ông Đặng Duy Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Bánh chưng làng nghề Tranh Khúc hiện có mức phủ sóng rất rộng rãi, phát triển xuất khẩu sang các nước trên toàn cầu. Toàn bộ bánh được xuất khẩu đi phải được kiểm định kỹ càng, được hút chân không và có tem mác của làng nghề sản phẩm OCOP".

Người dân dậy sớm làm bánh phục vụ hơn 5000 đơn đặt hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Kiều Anh

Người dân dậy sớm làm bánh phục vụ hơn 5.000 đơn đặt hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Kiều Anh

"Sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc có thể lưu trữ trong khoảng 1 tuần, còn nếu ăn trực tiếp ngay khi bánh vừa đến tay khách hàng thì sẽ ngon hơn", ông Thanh cho biết thêm.

Đứng trước những thách thức về sức mua bị "hẫng" nhịp sau Covid-19, giá thành nguyên vật liệu nhập tăng cao, các hộ dân tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc vẫn tiếp tục giữ nghề "cha truyền con nối". Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Điềm tâm sự: "Nhà tôi không tăng giá và cũng không rút xén chất lượng, chỉ hy vọng cung cấp ra thị trường những sản phẩm ngon nhất với giá thành hợp lý".

Không ngại thức khuya, dậy sớm, dành nhiều ngày để hoàn tất các công đoạn làm bánh phục vụ hơn 5000 đơn đặt hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024, bà Đặng Thị Thảo mong muốn có nhiều sức khỏe, tiếp tục công việc và truyền lại cho các thế hệ sau để thêm nhiều người cùng kiểm nghiệm giá trị thực của sản phẩm bánh chưng làng nghề Tranh Khúc.

Những người thợ áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn làm bánh. Ảnh: Kiều Anh

Những người thợ áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn làm bánh. Ảnh: Kiều Anh

"Dự kiến trong thời gian tới gia đình sẽ mở rộng thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiệm cận với mọi đối tượng khách hàng, bao gồm cả những người trẻ nữa. Nghề nghiệp mà ông cha chúng tôi đã để lại, tôi quyết giữ gìn đến cùng, để lại thì phải giữ lấy, kết tinh nghề nghiệp để làm nên sự khang trang của cuộc sống", ông Điềm tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem