[Phần 2]Thất Bại Của Marketing Y Tế ?

Tiếp theo phần 1 lẽ ra mình phải viết tiếp về App y Tế và con đường nên đi, nhưng để có một cái nhìn tổng quát hơn về con đường đó mình xin chuyển qua một chủ đề liên quan đó là Marketing y tế và phần 3 mình sẽ đi chi tiết hơn về con đường các app y tế nên đi để cho mọi người dễ hiểu và hình dung hơn.

Y tế là một bài toán khó đặc biệt là y tế tư nhân khi phải cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện công, với các chính sách hỗ trợ không sòng phẳng của nhà nước giữa công và tư. Thêm vào đó thói quen của người dùng là một trong những khó khăn lớn để có thể phát triển y tế công và tư. Mình sẽ không đi phân tích sâu vào khó khăn của các bệnh viện vì có quá nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát và kinh nghiệm của mình nên mình sẽ tập trung vào khách hàng và chiến lược Marketing vì sao thất bại.

Marketing y tế là nghành đặc thù và không có trường lớp đào tạo bài bản nên đa phần các nhân viên ngoài nghành vào làm y tế . Kéo theo việc sử dụng các nhân sự không hiểu được đặc thù y tế, nên rập khuôn xây dựng kế hoạch và chiến lược Marketing của các nghành khác đem vào áp dụng. Khởi đầu của nó chính là việc các bạn lên kế hoạch cho phần nổi của tảng băng, đi làm mọi cách để tìm kiếm, giới thiệu dịch vụ mình đang có cho khách hàng mới. Đi làm các gói dịch vụ, đi bán tất cả những gì bệnh viện , phòng khám đang có để lấy khách hàng về mà không quan tâm đến chất lượng dịch vụ hay nội tại của cơ sở dẫn đến việc người hỏi thì nhiều , tiền quảng cáo cũng không ít mà khách hàng chẳng thấy đâu, mô hình chung là thất bại. Ngay cả khi khách hàng đến nhiều nhưng nội tại không đủ đáp ứng dẫn đến việc quả tải chất lượng dịch vụ sẽ kéo theo phản hồi không tốt và đơn vị y tế càng nhanh chóng đi vào ngõ cụt.

Y tế đặc biệt hơn những ngành nghề khác ở chất lượng dịch vụ, các sản phẩm dịch vụ khác bạn có thể sai lầm và có cơ hội để sửa chữa sai lầm của mình nhưng y tế thì không. Chỉ cần bạn có một sai lầm ảnh hưởng đến sức khoẻ của khách hàng thì bạn sẽ phải lãnh chịu hậu quả cực kì nặng nề, thông tin sẽ nhanh chóng lan truyền khắp các mặt báo, trang mạng mà bạn không có cơ hội để giải thích và khắc phục, nặng nề hơn là phải đóng cửa cả một hệ thống y tế chỉ vì sai lầm của một cá nhân. Chính vì đó việc xây dựng kế hoạch và chiến lược Marketing xem nhẹ tới chất lượng dịch vụ, chỉ tập trung vào tìm kiếm khách hàng và bán dịch vụ càng làm tăng nguy cơ cho cả hệ thống.

Y tế tư nhân đặc biệt phát triển và tồn tại nhờ vào uy tín, chất lượng và dịch vụ, chất lượng dịch vụ lại phụ thuộc nhiều vào đội ngũ chuyên môn, y Bác Sĩ. Bệnh nhân sẵn sàng chờ đợi và chi trả gấp nhiều lần chi phí cho một Bác Sĩ có tiếng và thâm niên để thăm khám và điều trị trong khi mặt bằng chung các Bác Sĩ đang tiến bộ từng ngày và chất lượng đội ngũ y tế không có quá nhiều chênh lệch. Không chỉ có uy tín, thái độ của đội ngũ chuyên môn là điều quan trọng để bệnh nhân quyết định việc lựa chọn đơn vị điều trị cho mình. Bệnh nhân có nhiều lựa chọn hơn, thông minh hơn và họ có quyền lựa chọn cho mình những chuyên gia y tế giỏi và thái độ tốt hơn để điều trị cho mình chứ không còn chấp nhận vào các cơ sở công lập để xếp hàng và chịu đựng thái độ khó chịu từ các chuyên viên y tế. Nếu y tế tư nhân mà chất lượng và thái độ không có sự khác biệt thì y tế công vẫn là lựa chọn tốt hơn cho các khách hàng trong giai đoạn tự chủ tài chính các bệnh viện công như hiện nay. Vì vậy các đơn vị y tế tư nhân nên đầu tư và tập trung vào đội ngũ chuyên gia y tế , đó là một trong những nền tảng vững chắc cho một chiến lược Marketing hoàn hảo.

Đội ngũ chuyên gia y tế tốt, cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị y tế tốt thì ngay cả không có Marketing thì bệnh viện, phòng khám vẫn phát triển. Các phòng khám, bệnh viện tư nhân trước kia chưa có Marketing, chưa có công nghệ vẫn phát triển tốt nhờ vào truyền miệng. Chính những khách hàng được chăm sóc tốt, điều trị tốt là một nhân viên “Marketing” hiệu quả. Những khách hàng này sẽ quyết định việc tái khám của mình và họ có thể sẽ quyết định cho gia đình hoặc giới thiệu bạn bè của họ, nếu làm tốt chất lượng và dịch vụ , chăm sóc khách hàng tận tâm thì điều chắc chắn khách hàng sẽ tăng lên theo cấp số nhân mà không cần phải bỏ bất cứ chi phí Marketing nào. Để phải lựa chọn, đầu tư thì đội ngũ đầu tiên bạn nên lựa chọn chính là đội ngũ chăm sóc khách hàng thay vì đầu tư vội vã vào Marketing, để đảm bảo và chắc chắn rằng chất lượng dịch vụ của bạn đủ tốt để sẵn sàng cho một sự phát triển bền vững khi có đội ngũ Marketing tham gia vào hệ thống.

Khi chăm sóc khách hàng hài lòng, chất lượng và uy tín, lượng khách hàng sẽ tăng lên, tuy nhiên để duy trì và phát triển được cả hệ thống đòi hỏi khách hàng và doanh số phải tăng nhanh theo cấp số nhân để đáp ứng được nhu cầu của cả hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc phải có sự đồng hành và tham gia của Marketing để đẩy nhanh khách hàng và doanh thu cho hệ thống. Tuy nhiên Marketing sẽ là con dao 2 lưỡi khi tham gia vào hệ thống, 1 là bạn sẽ đi rất nhanh và xa, 2 là bạn sẽ đốt tiền rất nhanh và vẫn dậm chân tại chỗ, ngân sách ngày càng hạn hẹp và phải quyết định ngừng cuộc chơi và phải đối mặt với khó khăn mới về tài chính và những lỗ hỗng do Marketing để lại. Các bạn Marketing ngoài ngành hay rập khuôn theo một lối mòn, đi bán sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, chạy quảng cáo càng nhiều càng tốt để cho khách hàng nhận diện thương hiệu như các ngành hàng khác. Dẫn tới việc chi phí quảng cáo rất cao nhưng hiệu quả lại không nhiều, khách hàng biết tới dịch vụ nhưng lại không thăm khám. Bởi lẽ y tế là ngành đặc thù không như các ngành nghề khác để kích cầu và quyết định việc khám sức khoẻ chủ động cho bản thân và gia đình. Để có một kế hoạch Marketing hiệu quả thì khách hàng hiện hữu chính là tiêu chí để phục vụ, để chăm sóc và phát triển khách hàng mới. Hãy chăm sóc thật tốt các khách hàng hiện tại và xây dựng phát triển khách hàng mới trên cơ sở khách hàng cũ. Song song với đó là việc truyền thông những “Truyền miệng” của chính những khách hàng cũ tới khách hàng mới. Chỉ cần làm tốt những điều đó, bạn đã có một chiến lược và một kế hoạch Marketing hiệu quả, không cần quá nhiều chi phí và đầu tư quá nhiều vào những ngân sách không cần thiết. Quảng cáo chỉ thực sự hiệu quả khi bạn truyền tải những thông tin cần thiết tới khách hàng của bạn, không phải thông tin và hình ảnh nào bạn truyền đi cũng có giá trị.

Khi một hệ thống y tế phát triển ổn định sẽ đòi hỏi bạn phải lớn mạnh và cần có những hệ thống, quy trình và công nghệ đủ lớn để hỗ trợ và tinh giảm chi phí . Không có công nghệ đồng nghĩa với việc bạn phải tốn rất nhiều con người để vận hành và phát triển, ngân sách sẽ đội lên rất nhiều dù rằng doanh thu không nhỏ. Để vươn tầm và khẳng định vị thế , tăng trưởng mạnh mẽ thì việc sử dụng công nghệ hỗ trợ là điều không thể nào tránh khỏi.

Phần 1 - Thất Bại Của App Y Tế