GIỚI THIỆU MỘT SỐ GƯƠNG, MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG

Hưởng ứng Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre” do Tỉnh ủy Bến Tre phát động, nhiều thanh niên Bến Tre đã sẵn sàng, dám nghĩ, dám làm, không ngại thất bại để làm giàu và thoát nghèo. Ngày càng xuất hiện nhiều gương thanh niên vượt khó, sáng tạo, có ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương Đồng Khởi. Những dự án này là những mô hình khởi nghiệp thành công và mang lại một số hiệu quả nhất định. Để khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn Bến Tre sẽ giới thiệu với bạn đọc một số dự án khởi nghiệp thành công của thanh niên Bến Tre như sau:

1. Dự án “đất sạch” của Công ty TNHH MTV đất sạch Phú Hưng Thịnh (TP. Bến Tre): với ý tưởng sản xuất đất sạch phục vụ cho việc trồng rau và cây ăn trái của mình, anh Phạm Gia Thịnh đã miệt mài nghiên cứu tài liệu, tìm quy trình làm phân hữu cơ từ rác và phân động vật, rồi tự mình đi thu gom rơm, rạ, bã mía, trấu mục, mụn dừa, phân chuồng mà người dân đổ từ ven đường đến đồng ruộng, rồi ra chợ mua men vi sinh về ủ. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Gần 2 năm đầu, Thịnh thất bại rất nhiều lần nhưng vẫn không bỏ cuộc. Mỗi lần thất bại Thịnh lại tự mình rút kinh nghiệm và mài mò tiếp tục nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu quy trình làm đất sạch, Thịnh được gia đình tạo điều kiện để anh thử nghiệm trồng rau tại vườn. Cuối cùng thì vườn rau đã phát triển tốt và không bị sâu bệnh như được trồng trong điều kiện bình thường. Hiệu quả của đất sạch trong sản xuất được nhận nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tiêu chuẩn sản phẩm đất sạch của Thịnh đã được chứng nhận bởi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Hàng tháng, Thịnh bán ra thị trường hơn 50 tấn thành phẩm, mang về thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Sau gần một năm thành công, Thịnh quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh. Với sự nỗ lực để cụ thể hóa ý tưởng khởi nghiệp thành công, vừa rồi, dự án khởi nghiệp Đất sạch Phú Hưng Thịnh vinh dự được lọt vào Top 100 dự án khởi nghiệp Shark Việt Nam xuất sắc toàn quốc.

2. Dự án sản xuất mỹ phẩm handmade của Công ty TNHH Một thành viên Hóa mỹ phẩm Ngọc Hiệp (Giồng Trôm): với đam mê ngành mỹ phẩm từ rất lâu, kinh nghiệm tiếp thị mỹ phẩm cho một số thương hiệu nổi tiếng và tham gia lớp đào tạo nghề làm mỹ phẩm ở TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiệp hình thành ý tưởng dùng nguyên liệu dừa để làm mỹ phẩm, trước tiên là xà bông dừa và son môi. Chị đã mất nhiều thời gian trải nghiệm và tiền của cho việc nghiên cứu này. Không ít lần người thân gợi ý “đi làm mướn ăn lương ổn định hơn”, nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. Cũng có đôi lúc không tránh được nản chí nhưng chị mau chóng xốc lại tinh thần, lại tiếp tục lao vào nghiên cứu để sản phẩm đạt chất lượng, hấp dẫn hơn. Bước đầu, các công đoạn đều thực hiện thủ công. Qua tìm hiểu thị trường, sản phẩm từ thiên nhiên của chị được người tiêu dùng ưa chuộng, được nhiều khách hàng đón nhận và sử dụng sản phẩm lâu dài. Hiện tại, khả năng của công ty có thể sản xuất 1.000 cây son môi và 1.000 viên xà bông dừa mỗi tháng. Chị đang từng bước hoàn chỉnh bao bì, mẫu mã, thương hiệu, công bố sản phẩm, mã vạch để chính thức đưa sản phẩm vào thị trường. Hướng tới sẽ nâng quy mô sản xuất và tìm thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty.

3. Dự án sản xuất rau hữu cơ của Công ty TNHH Việt Tâm (Ba Tri): vốn là con nhà nông, đam mê với làm nông nghiệp nên dù đã làm nhiều công việc khác nhau nhưng anh Nguyễn Lộc Tùng vẫn luôn mang ý tưởng trồng rau sạch tại quê nhà. Anh phải mất hơn 5 năm (từ 2007 - 2011) để tìm hiểu thị trường, kỹ thuật chăm sóc rau an toàn. Lúc đầu, anh nghĩ công việc sẽ đơn giản nhưng khi khởi nghiệp thì mới thấy có nhiều việc không như mình nghĩ, như vướng thủ tục, quy trình kiểm tra, đăng ký, cạnh tranh. Đến năm 2013, anh chính thức đưa sản phẩm ra thị trường; năm 2014, anh thành lập doanh nghiệp. Nông dân có bao nhiêu rau sạch, anh Tùng thu mua hết. Hiện tại, Công ty TNHH Việt Tâm hiện có 2 cửa hàng chính và 10 đại lý tại TP. Hồ Chí Minh. Sau 4 năm chính thức khởi nghiệp, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do mở rộng quy mô trong điều kiện tài chính hạn hẹp, thiếu nhân sự nhưng anh vẫn tâm huyết với công việc đã lựa chọn. Công ty đang đầu tư thêm 1 ha xây dựng mô hình ươm giống và trình diễn kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ để nhiều nông dân đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng.

4. Dự án bánh tráng CORIZA của Công ty cổ phần thương hiệu xứ Dừa: với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống của đặc sản từ làng nghề bánh truyền thống Mỹ Lồng (Giồng Trôm), anh Võ Nhựt Điện đã phối hợp cùng Làng nghề truyền thống Bánh tráng Mỹ Lồng để tạo ra sản phẩm bánh tráng nướng mang thương hiệu CORIZA. Sản phẩm đã ra đời sau hai tháng doanh nghiệp chính thức hoạt động. Sản phẩm vẫn giữ hương vị đặc trưng bao năm vốn có của chính đặc sản Bánh tráng Mỹ Lồng trứ danh kèm theo đó là mẫu mã sản phẩm được đầu tư bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rõ ràng, ổn định qua từng mẻ bánh. Bên cạnh bánh tráng CORIZA, anh còn sản xuất ra nhiều loại khác như: đậu phộng tam vị, mứt dừa non, mứt vỏ bưởi da xanh được khách hàng trong và ngoài tỉnh hết sức ưa chuộng.

Những dự án trên chỉ là một trong các dự án khởi nghiệp thành công tiêu biểu của thanh niên Bến Tre. Còn rất nhiều dự án đã và đang được đầu tư đúng hướng, góp phần mang lại hiệu quả kinh thế sâu rộng trong những đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn dấn thân lập nghiệp. Đồng thời góp phần tạo làn sinh khí mạnh mẽ để thúc đẩy Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” của tỉnh trong những năm tiếp theo.